Tôi có thể xin cấp giấy xác nhận độc thân để kết hôn với người nước ngoài như thế nào?

Trước tiên bạn cần hỏi rõ cơ quan thẩm quyền ở nước ngoài rằng những loại giấy chứng nhận độc thân nào sẽ được chấp thuận: của cơ quan nhà nước Việt Nam, hay của phòng công chứng có thẩm quyền, hay của luật sư tại Việt Nam. (vì với nhiều nước thì chứng nhận của luật sư cũng có giá trị pháp lý)

Theo quy định của pháp luật để xin giấy chứng nhận độc thân với lý do kết hôn với người nước ngoài, thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nộp trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, sau đó được Sở Tư pháp xác minh, thẩm tra. Sở Tư pháp sẽ tiến hành phỏng vấn người xin cấp Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân. Sau khi có văn bản đồng ý của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài.

Không may là cho tới hiện nay (tháng 02/2015), một số trường hợp được báo cáo là bị từ chối cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, sau khi xác minh mục đích là để kết hôn cùng giới với người nước ngoài tại nước ngoài, với lý do "không đủ điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình" theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư 22/2013/TT-BTP.

Hiện tại có hai giải pháp cho vấn đề này:

  1. Nếu bị từ chối với lý do này, bạn có thể thuyết phục cán bộ tư pháp rằng theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (hiệu lực 1/1/2015) thì trong phần về điều kiện kết hôn không còn cấm việc kết hôn giữa hai người cùng giới nữa mà chỉ là "không thừa nhận", trong các quy định về hành vi bị cấm kết hôn cũng không còn liệt kê việc hai người cùng giới kết hôn, như vậy thì việc bạn kết hôn với người cùng giới ở nước ngoài là không rơi vào điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình, và bạn vẫn đủ điều kiện kết hôn theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình, như vậy bạn cũng đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân.
    Nếu vẫn bị từ chối, bạn cần yêu cầu được trả lời bằng văn bản với lý do và căn cứ pháp lý cụ thể. Văn bản từ chối này sẽ rất quan trọng để bạn có thể làm việc tiếp với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà bạn dự định đăng ký kết hôn.
  2. Nếu cảm thấy không chắc chắn với việc xin cấp giấy chứng nhận độc thân này, hoặc đã từng bị từ chối, bạn nên liên hệ trực tiếp với cơ quan lãnh sự để thông báo về các quy định, trở ngại hiện tại của pháp luật Việt Nam và thảo luận về giải pháp. Một số quốc gia đồng ý giấy chứng nhận của một văn phòng luật sư. Một số quốc gia khác đồng ý giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước với lý do bất kỳ (nghĩa là không nhất thiết phải là với lý do kết hôn cùng giới).

Trong trường hợp cơ quan lãnh sự chấp nhận giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước với lý do bất kỳ, bạn có thể xin mẫu đơn ở phường/xã, về nhà ghi đầy đủ với rất nhiều lý do khác nhau có thể như: (chung chung) bổ túc hồ sơ, làm hồ sơ xin visa, làm hồ sơ xuất cảnh, (cụ thể, bạn cần hỏi trước cơ quan lãnh sự có chấp nhận lý do này không) hồ sơ xin việc làm, vay tiền ngân hàng, bổ túc hồ sơ du học, hợp đồng ở nhờ nhà để nhập hộ khẩu, mua bán tài sản để không có tranh chấp, mua nhà/xe, nhận cha/mẹ/con, nhận con nuôi, lập di chúc... Sau khi điền xong làm theo hướng dẫn của phường/xã và được cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân với lý do đã xin cấp, với một thời hạn nhất định. Bạn có thể công chứng dịch hoặc hợp pháp hóa lãnh sự giấy chứng nhận này và dùng làm hồ sơ cho việc kết hôn với người nước ngoài ở cơ quan nước ngoài.

Nếu có thêm thắc mắc, xin liên hệ với Viện iSEE, Trung tâm ICS để trao đổi thêm.

Nghị định 24/2013/NĐ-CP.

Điều 15. Thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

1. Hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau:

a) Tờ khai cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (theo mẫu quy định);
b) Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân như Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế;
c) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của người yêu cầu.
Trường hợp công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận về việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do người yêu cầu nộp trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.

3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi văn bản xin ý kiến Sở Tư pháp kèm theo 01 bộ hồ sơ.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, Sở Tư pháp thực hiện thẩm tra, xác minh và có văn bản trả lời Ủy ban nhân dân cấp xã kèm trả hồ sơ; nếu từ chối giải quyết, Sở Tư pháp giải thích rõ lý do bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để thông báo cho người yêu cầu.

5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và cấp cho người yêu cầu.

6. Căn cứ tình hình cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn để cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài.